Thứ Tư, 16 tháng 1, 2013

KHAI THỊ PHÁP MÔN NIỆM PHẬT

KHAI THỊ PHÁP MÔN NIỆM PHẬT


Khai thị về pháp môn niệm Phật

Pháp môn niệm Phật không có gì kỳ đặc lập dị, cốt yếu ở sự tin sâu và dốc lực hành trì mà thôi. Đức Phật dạy: “nếu người nào chỉ niệm Đức Phật Di Đà, thì gọi đó là Vô thượng thâm diệu Thiền”. Ngài Thiên Thai bảo: “ Trong 4 loại tam muội (chánh định), đều có cùng tên là niệm Phật tam muội. Niệm Phật tam muội là vua trong các món tam muội”. Ngài Vân Thê dạy rằng: “ Một câu A Di Đà Phật gồm thâu cả 8 giáo, dung nhiếp hết 5 tông”. Tiếc thay cho người ngày nay xem pháp môn niệm Phật là thấp thiển, là công phu của bọn đàn ông đàn bà ngu muội. Vì thế lòng Tin đã không sâu, mà Hạnh cũng không dốc sức, trọn ngày lơ láo, công phu Tịnh nghiệp làm sao mà thành tựu được!
Giả như có người bày phương tiện quyền xảo, muốn thâm minh loại tam muội này, mà lại cho rằng, sự tham cứu chữ “Ai” trong câu “ Ai niệm Phật?” làm sự hướng thượng, không ngờ rằng, cái tâm năng niệm trong nhất niệm hiện tiền tự nó vốn ly quá tuyệt phi ( rời tứ cú, dứt trăm lỗi), không cần phải tác ý ly hay tuyệt. Và Đức Phật sở niệm trong nhất niệm hiện tiền ấy, tự thân cũng vốn siêu – tình ly – kế ( vượt khỏi tình chấp, biến kế), cần gì phải nhọc nói diệu đàm huyền? Quý cầu ở chỗ lòng tin có tới nơi hay không? Hãy thẳng vào mà niệm Phật đi! Niệm ngày niệm đêm! Hoặc 10 vạn lần, hoặc 5 vạn, 3 vạn, lấy sự quyết tâm chẳng thiếu khuyết làm tiêu chuẩn mà niệm. Làm được quyết tâm ấy trong một đời, thề không biến đổi. Nếu người nào không được vãng sinh thì ba đời chư Phật bèn thành hư dối sao?
Một khi được vãng dinh rồi thì vĩnh kiếp không còn thối chuyển. Tất cả các pháp môn khác liền ngay sau đó đều được thành tựu. Chớ có nay thế này, mai thế khác; gặp một vài người trong Giáo môn thì lại nghĩ đến việc tầm chương trích cú; gặp một vài người ở Tông môn thì lại nghĩ phải tham cứu, vấn đáp; tiếp với người trì luật thì lại nghĩ đắp y, dùng bát. Như vậy pháp môn nào cũng dang dở, rốt cuộc chẳng thành tựu được gì. Đâu biết rằng, một khi niệm A Di Đà Phật đã chín muồi thì những nguyên tắc, giáo lý trong 3 tạng Kinh Luật Luận, 12 bộ kinh thảy đều gọn trong đó; 1.700 công án, cơ quan hướng thượng ( phương tiện để thể ngộ) cũng ở trong đó; 3 ngàn oai nghi 8 muôn tế hạnh, 3 tụ tịnh giới cũng ở trong đó.
Chân thật niệm Phật, buông bỏ cả thân tâm lẫn thế giới, như vậy tức là đại bố thí; chân thật niệm Phật, không còn khởi các tham – sân – si, như vậy tức là đại trì giới; chân thật niệm Phật thì không còn thị phi nhân ngã đó là đại nhẫn nhục; chân thật niệm Phật thì không một chút tạp xen gián đoạn, đó là đại tinh tấn; chân thật niệm Phật thì không còn rong ruổi theo vọng tưởng, đó là đại thiền định; chân thật niệm Phật thì không còn bị pháp nào khác làm mê hoặc, đó là đại trí tuệ. Hãy tự kiểm xem: nếu thân tâm, thế giới mà chưa chịu buông bỏ, những tâm niệm tham – sân – si còn có cơ hội dấy lên, thị phi nhân ngã còn vương vấn, gián đoạn tạp loạn còn chưa trừ, vọng tưởng lôi kéo vẫn chưa dứt hẳn, các pháp khác còn có thể mê hoặc tâm trí, tức là biết mình chưa chân thật niệm Phật.
Cần phải niệm đến cảnh giới nhất tâm bất loạn, không cần thuật gì khác nữa. Ban đầu hạ thủ thì nên dùng phép đếm chuỗi, nhớ số lần đếm cho rõ ràng với thời khóa nhất định, quyết tâm không thiếu bữa nào; lâu ngày dài tháng thuần thục rồi, thì không niệm mà cũng tự niệm, như thế về sau có đếm số chuỗi hay không đếm nữa cũng được.
Nếu lúc còn sơ tâm mà muốn nói hay nhìn giỏi, thích kiểu không chấp tướng, ưa học đòi cái vẻ tự tại viên dung… tất cả các cách ấy đều là biểu hiện của lòng tin chưa sâu sắc, hành trì chưa dốc lực. Dù có giảng được 12 phần giáo, nói ra được 1.700 công án chuyển ngữ, cũng đều là việc ở bên bờ sinh tử mà thôi. Tất cả những thứ ấy đều vô dụng trong lúc lâm chung. Trân trọng!

(Trích Ngẫu Ích đại sư – Hành trạng và Pháp ngữ
Thích Định Thông biên soạn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét